Kể từ ngày có chương trình Trúc Xanh, nội không bỏ sót buổi nào. Đúng giờ, nội thủ sẵn remote, chăm chú xem hai đối thủ thi nhau lật những ô hình, điền vào chỗ trống các câu ca dao tục ngữ, trả lời câu đố, giải đoán hình nền. Chừng như chẳng có câu đố hay hình nền nào khó khăn với nội. Có khi câu đố dễ dàng quá chừng mà người chơi vẫn chịu, nội chặc lưỡi than thở có mấy câu nói ông bà truyền lại mà cũng không thuộc.
Nói cho ngay, những ví von của nội, tui cũng đâu hiểu gì. Chẳng hạn nội nói “lừ đừ như từ vào đền”, tui lại tưởng nội nhắc tới… một củ khoai từ. Hoặc có lần nội nói “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”, tui ngỡ nội đang kể chuyện… thả lưới đánh cá. Vậy đó! Cho đến một lần, nội khiến cả nhà xôn xao khi quyết định đăng ký đi dự thi Trúc Xanh.
Ba tui thì lo nội già rồi, da nhăn nheo, mắt lại đeo kiếng, lên TV không đẹp chút nào. Nội lắc đầu:“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn! Ăn nhau là ở hiểu biết chớ đâu phải màu mè bên ngoài!”. Mẹ tui hỏi nội ưng mặc áo dài kiểu nào để mẹ mua vải về may. Nội gạt phắt, tuyên bố chỉ mặc áo bà ba và quần đen như khi đi ăn đám giỗ là được rồi. Chỉ có tui là khoái chí. Gì chứ nội mà lên truyền hình, thắng lớn là cái chắc. Tuy vậy, có một điểm tui hơi lo. Phần nhớ các cặp hình giống nhau để lật ô số của nội hơi chậm. May ghê, tui kiếm được cái CD-Rom có chương trình trò chơi luyện trí nhớ giống hệt. Cứ sau bữa tối, hai bà cháu ngồi trước máy tính. Nội chỉ vào ô số, tui nhấp chuột lia lịa theo tay nội. Chừng một tháng, khả năng nhớ vị trí cặp hình của nội tăng lên rõ rệt. Thậm chí, nội còn học luôn tiếng “Wow…” phấn khích của tui nữa đó. Cả nhà giờ đây đã tin chắc ý định lên TV tranh tài của nội là hoàn toàn nghiêm túc.
Thế rồi lại mọc ra một chuyện “rụng rời” mới. Nội nhất định không chịu đi thi một mình. Người được nội chọn đồng hành đến đài truyền hình dự tuyển chính là… tui. Tui đành ra nhà sách mua mấy quyển ca dao tục ngữ về luyện. Hoá ra bao nhiêu kiến thức rất thú vị, từ chuyện nhỏ nhặt nhất trong nấu ăn, đi chợ, cho tới những kinh nghiệm lớn lao về đối nhân xử thế, tình cảm con người… đều đúc kết trong ca dao, tục ngữ, ví von thiệt khôi hài hoặc cảm động. Tui lậm thói quen xài ca dao tục ngữ của nội lúc nào không hay.