bé dừng mắt nhìn lâu nhất và thứ hai là những buồng cau lắc lư (cô nghĩ tới bà ngoại). Hai điểm này cô còn nhìn lại nhiều lần. Có vẻ như mẹ đã ngủ. Giật mình dậy thấy cô mở mắt nhìn thỏ lỏ trong đêm, mẹ giục: "Con nằm duỗi chân ra đây, gối đầu lên, lòng mẹ thế này này, thế, nhắm mắt lại ngủ đi. Còn đi tàu tha hồ lâu cho con nhìn".
- Lâu là mấy ngày, mẹ?
- Cũng chưa biết chừng. Nghe mấy chú bộ đội đi từ Sài Gòn ra đây mất cả tuần rồi.
***
Đó là chuyến tàu chợ của những năm đầu thập kỷ 80. Thời kỳ hậu chiến, miền Bắc thiếu gạo trầm trọng. Nhu yếu phẩm cũng thiếu. Ở miền Nam dồi dào hơn nhưng Nhà nước cấm tư nhân buôn bán gạo, thịt - nói chung là hàng hóa - từ vùng này qua vùng khác. Mà người ta vẫn cứ buôn - và nếu thuế vụ bắt được thì tịch thu hẳn, mất trắng. Mỗi người đi tàu chỉ được mang theo 20 kg hành lý - cho nên mẹ của Miu một chuyến đi buôn Quỳnh Lưu - Hà Nội chỉ dám buôn 40kg - san ra làm 2 bao, nói dối với nhân viên nhà ga "mỗi đùm có 10 cân thôi". Vì được mẹ dặn trước nên Miu không cãi "Ứ, hai chục cân chứ, mẹ!".
Đây có lẽ là chuyến tàu cuối cùng về đến Hà Nội rồi quay về ga xuất phát còn kịp Tết. Những chuyến sau, chắc hành khách phải ăn Tết trên tàu hoặc ở các ga đợi tàu. Có một lần hai mẹ con Miu ra ăn Tết với bố ở Hải Phòng, nơi bố đóng quân - nhưng cuối cùng lại được đón xuân ở ga Thanh Hóa. Nhân tiện mẹ có mua một cặp chiếu Nga Sơn ra làm quà cho thủ trưởng của bố. Năm nay bố viết thư về báo tin "29 Tết sẽ về đến nhà (nếu tàu xe suôn sẻ). Cho nên mẹ mới lôi Miu đi buôn đỗ, bảo "để lấy tiền về ăn Tết thật to cho bố sợ".
Đâu như gần sáng. Con tàu tự dưng giảm tốc độ rồi chạy chậm hẳn. Mẹ Miu lại tưởng đến một ga nào đó (tàu chợ là tàu dừng ở tất cả các ga nó đi qua - phải tránh tất cả những con tàu mà nó có thể gặp phải) nhưng dân đi buôn chuyên nghiệp thì biết, lại đến một địa điểm ăn hàng mà người lái tàu đã ăn cánh với dân buôn.
Những tiếng la hét, chửi thề cùng những bao gạo bịch bịch ném qua cửa sổ quăng lên tàu cũng không làm thức nổi giấc ngủ say như chết của Miu. Cho đến khi mẹ cô nắm lấy tay giật lấy giật để:
- Dậy, dậy con, mau không hàng đè chết.
Choàng mắt dậy, cô đã thấy những người đàn ông trần trùng trục tràn lên toa, bám ô cửa sổ, cửa ra vào lôi ào ào những cái bao căng